Phòng Quản trị Nhân lực với bài toán đào tạo

Bất cứ một doanh nghiệp nào, để có thể phát triển và bắt kịp thời đại thì tất yếu cần phải đào tạo, nâng cao kiến thức cho nguồn nhân lực của mình. HiPT cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Thế nhưng, đào tạo ở HiPT dường như chưa thực sự được chú trọng…

Đào tạo và phát triển nhân sự là một trong những biện pháp tích cực tăng khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước sự thay đổi của thị trường. Đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho doanh nghiệp nguồn vốn nhân sự chất lượng cao, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh. Đào tạo cũng được coi là một biện pháp nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, một lượng X nhân sự có A năng suất lao động, sau một năm đào tạo, nâng cao kiến thức, tay nghề thì vẫn với lượng X nhân sự đó nhưng năng suất có thể tăng lên 25% A. Các nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả của những nhân viên mới được đào tạo ngang bằng với những nhân viên có kinh nghiệm.

phong-quan-tri-nhan-luc-voi-bai-toan-dao-tao
Buổi đào tạo về Microsoft Word do phòng Quản trị Nhân lực HiPT tổ chức.

Chính vì vai trò quan trọng và thiết yếu của đào tạo mà các doanh nghiệp lớn hiện nay đều rất trú trọng tới việc không ngừng đào tào cho nguồn nhân lực của mình. Điển hình nhất là FPT – một doanh nghiệp với gần 30 năm hình thành phát triển đã không ngừng đổi mới, mở rộng thị phần. Để có được thành tựu này, FPT đã rất chú trọng vào đào tạo – huấn luyện nguồn nhân lực một cách bài bản và có kế hoạch dài hơi.. Họ đào tạo toàn diện –  sâu rộng, từ cấp tập đoàn cho tới các đơn vị thành viên. Và việc đào tạo coi như một “nhiệm vụ bất khả kháng”, với hầu hết các CBNV.  Ở FPT, 100% nhân viên mới được tham gia khóa học đào tạo định hướng mang tên “72h trải nghiệm”.  Với khóa học này, các thành viên mới có cơ hội  sinh hoạt cùng nhau để hiểu về lịch sử, con người, giá trị văn hóa cũng như tinh thần của FPT.

Đặc biệt, FPT còn được biết đến với một hình thức đào tạo rất mới –  hình thức “Sư phụ – Đồ đệ”. Một lãnh đạo cấp 5 trở lên là một “sư phụ”. Mỗi sư phụ có tối thiểu 5 đệ tử, có thể lựa chọn ở đơn vị đó hoặc đơn vị khác trong FPT. Mỗi nhóm sư phụ – đệ tử sẽ sinh hoạt tối thiểu 7 buổi mỗi năm và 3 tiếng mỗi buổi. “Sư phụ” có nhiệm vụ dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo cho các “đồ đệ” của mình để họ có cơ hội nâng cao giá trị bản thân cũng như phát triển công việc mình phụ trách. Bên cạnh đó, hằng năm, mỗi CBNV cũng phải hoàn thành một số khóa học (với những tỷ lệ phần trăm) theo quy định của đơn vị mình.

phong-quan-tri-nhan-luc-voi-bai-toan-dao-tao
Một buổi đào tạo tại FPT.

Cũng rất chú trọng đến đào tạo nhân lực, Tập đoàn Vingroup có một hình thức đào tạo khá khác biệt. Vingroup được biết đến như  một “cỗ máy siêu phàm”, luôn làm việc hết công suất. Bởi vậy, họ chọn thời gian… nghỉ trưa để đào tạo.  Các giảng viên được thuê về và đào tạo cho CBNV sau giờ ăn trưa, mỗi buổi khoảng 30 phút. Ngoài ra, họ còn có những nhóm tự đào tạo bằng cách tập hợp lại và cùng nhau  thảo luận về chủ đề hay vướng mắc công việc nào đó.. Cứ đều đều như vậy, tính trung bình một tháng, mỗi CBNV của họ sẽ có khoảng 12 giờ được đào tạo.

Những tập đoàn lớn với quy mô hàng nghìn người như vậy vẫn có thể tổ chức đào tạo liên tục như vậy, thậm chí đào tạo đã trở thành một hoạt động không thể thiếu. Vậy không có lý gì một HiPT với hơn 22 năm phát triển, từng là một trong những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam lại coi nhẹ việc đào tạo?  Thực tế cho thấy, HiPT đã có một số hoạt động đào tạo nhưng trong những năm gần đây chưa thật sự nổi bật cả về số lượng và chất lượng. Hay nói cách khác, như lời một số HiPTers, đào tạo ở HiPT còn thiếu và yếu… Đơn cử như năm 2016,  số khóa  đào tạo của HiPT đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, nhiều CBNV chia sẻ, thông tin về các khóa đào tạo ở HiPT nhiều khi chưa được phổ biến rộng rãi nên ít người biết đến.

phong-quan-tri-nhan-luc-voi-bai-toan-dao-tao
Buổi đào tạo dành cho nhân viên mới tại HiPT.

Chia sẻ về nguyên nhân thiếu hụt trong đào tạo ở HiPT, chị Nguyễn Mỹ Linh (Phó phòng QTNL) cho biết: “Nói về nguyên nhân thì nhiều lắm, xuất phát từ chủ quan có, khách quan có. Khách quan là do một chương trình đào tạo được xây dựng phải xuất từ nhiều phía: ở góc độ Công ty phải xuất phát từ phân tích mô hình tổ chức, định hướng hoạt động của tổ chức; ở góc độ bộ phận, cá nhân phải xuất phát từ phân tích công việc cũng như phân tích điểm mạnh, yếu, định hướng công việc của CBNV trong bộ phận. Còn chủ quan thì phòng QTNL cũng thẳng thắn thừa nhận rằng trong những năm gần đây, phòng QTNL chưa làm ‘tròn vai’ của mình”.

Nói đi thì cũng phải nói lại, việc kiến thức của các CBNV luôn giậm chân tại chỗ một phần cũng là bởi tự ý thức của mỗi người. Có rất nhiều cách để tự nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi kiến thức cho mình mà không cần chờ các khóa đào tạo được phòng QTNL tổ chức. Có chăng chỉ có Trung tâm Kỹ thuật, họ luôn tự đề cao việc đào tạo bằng việc tự nghiên cứu, tự tổ chức các buổi đào tạo cho nhau và chủ động tham gia đào tạo bên ngoài, thi lấy chứng chỉ, nâng cao trình độ…

Để HiPT bật xa, bật mạnh hơn nữa thì điều quan trọng, cơ bản nhất đó chính là cần liên tục  nâng cao chất lượng đào tạo  – huấn luyện  nhân lực. Để làm được điều đó, hoạt động đào tạo cần phải được đẩy mạnh và chú trọng hơn rất nhiều. Chia sẻ về những định hướng về hoạt động đào tạo trong năm 2017, chị Nguyễn Mỹ Linh chia sẻ: “Ngay từ đầu năm 2017, phòng QTNL đã lên Kế hoạch đào tạo cho năm 2017 với định hướng tổ chức được nhiều buổi đào tạo, chia sẻ nội bộ hơn. Đây là hình thức đào tạo rất thực tế bởi chính những giảng viên nội bộ là những người hiểu và nắm rõ nhất nhu cầu, điểm mạnh, yếu của anh chị em trong Công ty để từ đó có những chia sẻ thiết thực”.

phong-quan-tri-nhan-luc-voi-bai-toan-dao-tao
Buổi Open talk của anh Đặng Minh Đức (Phó Tổng Giám đốc – Giám đốc TTKD số 2) với chủ đề “Động lực kinh doanh”.

Ngoài những buổi đào tạo nội bộ, phòng QTNL cũng hướng đến việc mời giảng viên bên ngoài để tổ chức các lớp nâng cao kỹ năng dành cho các nhóm công việc khác nhau. “Để hiện thực hóa được kế hoạch này, ngoài nỗ lực của Phòng QTNL còn cần sự hưởng ứng của chính những giảng viên nội bộ là các anh trong Ban Tổng Giám đốc, các anh Giám đốc Công nghệ, Giám đốc các Trung tâm, …, cũng như, cần cả sự nhiệt tình tham gia của CBNV” – chị Nguyễn Mỹ Linh nói.

“Học, học nữa, học mãi…”, để phát triển thì nhất định phải học, phải đào tạo! Nếu không muốn tụt lùi thì nhất định phải đào tạo! Bài toán này không quá khó để giải nếu như mỗi chúng ta thật sự có mong muốn, khát khao học hỏi và cầu tiến.

CVP-X5

Công ty Cổ phần Tập đoàn HIPT– hipt.vn