Văn minh khi mặc cả

Trà đá chú Hiến – ngày hửng nắng.

Trần Thị: Suốt mấy tuần nay mới có một ngày nắng đẹp, thích thật.

Bùi Thị: Nắng lên rồi tôi phải đi mua ít quần áo cho con Kem với thằng Su mới được.

Vũ Thị: Hôm qua tôi vừa mua được một đống quần áo cho thằng cu. Có cái áo đẹp cực. Nó hét giá trăm rưỡi tôi trả có tám chục.

Bùi Thị (hướng sang họ Vũ): Bà này là chúa mặc cả. Mình tưởng mình đã là trùm rồi mà không lại được. Đồ trong siêu thị mà nó cũng mặc cả mới kinh!

Vũ Thị: Thì văn hóa của người Việt là mặc cả mà lại. Đi chợ mà không mặc cả thì còn gì gọi là thú vui đi chợ. Em chả biết thế nào, cái gì em cũng mặc cả.

Trần Thị: Tôi thì lại rất ghét cái trò nói thách với mặc cả, nên tôi chỉ thích mua đồ trong siêu thị thôi.

Bùi Thị: Nói đến mới nhớ. Hôm nọ tức cực! Chủ Nhật tuần trước tôi đi mua đôi giày. Chủ shop bảo sáu trăm, tôi mặc cả xuống bốn trăm. Sang hàng bên cạnh có cái y hệt nó đề sẵn giá ba trăm không mặc cả. Lúc đầu đang cười không ngậm được miệng sau đã phải khóc không khép được hàm rồi.

Vũ Thị: Em thì cứ thấy mặc cả được là em thích, chả cần biết lời hay lỗ.

Trần Thị: Còn kinh nghiệm của tôi, tôi chả quan tâm tới giá của cửa hàng. Tôi cứ áng chừng theo giá của mình. Nó hét cao thì mình trả một lần, nó nói rẻ hơn thì mình mua luôn. Dẫu sao mình chấp nhận được là được.
Chú Hiến (nói xem vào): Họ Trần hôm nay ăn ổi không? Mười hai nghìn miễn mặc cả (Há há).

Vũ Thị: Em thì không thế, em cứ trả nửa giá, bán thì bán không bán thì thôi. Đầy cửa hàng em đi ra nó đốt vía cứ ầm ầm.

Bùi Thị: Ơ cái con này, mày làm thế nó không đốt vía mới là lạ. Mặc cả phải văn minh chứ. Tao thì cứ chỗ nào SALE OFF là tao vào. Tao chỉ không mặc cả khi mua đồ lễ, đồ cúng thôi. Thờ các cụ mà mặc cả, phải tội chết.

Vũ Thị: Thì em cũng chỉ trả giá như thế với đội con buôn thôi. Chứ đi chợ mua rau, gặp nhiều cụ chả khác gì các cụ nhà mình ở quê, em không những không mặc cả mà còn đưa thêm ý chứ.

Trần Thị: Đấy. Thế mới gọi là văn minh. Mình phải biết chọn đối tượng mà mặc cả, cũng như cách mặc cả. Đôi khi thái độ của mình còn quan trọng hơn giá tiền ấy chứ, nhỉ? Ông Hiến, tôi trả tiền này. Quả ổi tính mười nghìn thôi nhá!

LỜI BÀN TÁC GIẢ:

Tôi đã đọc rất nhiều bài viết về văn hóa mặc cả của người Việt. Khen có, chê có, ủng hộ có, phản đối có. Người khen thì bảo đấy là văn hóa Việt, một trong những nét đẹp truyền thống của quê hương. Kẻ chê thì nói đấy là tư duy manh mún, nhỏ lẻ. Người ủng hộ thì bảo đấy cũng là một thú vui, một cách xả stress. Theo lẽ thông thường, ở đâu có nói thách thì ở đó có mặc cả. Điều quan trọng là người mua hàng có nhìn ra được giá trị thật của món hàng không và sẽ ứng xử như thế nào.

Trong một doanh nghiệp, sẽ có nhiều người đứng trong vai trò người mua và cũng sẽ có rất nhiều người đứng trong vai trò kẻ bán. Đứng trong vai trò người mua là những ai? Là lãnh đạo của doanh nghiệp, là các cấp quản lý, là các cán bộ Nhân sự… Họ đại diện cho doanh nghiệp mua thời gian và sức lao động của những người khác với “mức giá” mà ta hay gọi là thu nhập hàng tháng. Cách “mua hàng” này rất khó khăn và chứa đựng nhiều rủi ro. Khó khăn ở chỗ mỗi một “món hàng” đều là “hàng độc – không đụng hàng”, thế nên việc định giá quả thực không hề đơn giản. Còn nhiều rủi ro thì quá rõ rồi. Có thể với “món hàng” này bạn lỡ “mua hớ” thì bạn sẽ phải trả giá cho việc này trong nhiều tháng, cũng có thể là nhiều năm. Hoặc có thể bạn mua đúng giá nhưng “giá trị” của “món hàng” lại xuống cấp trầm trọng sau một thời gian. Hoặc cũng có thể bạn mua được với “giá hời” nhưng chẳng được bao lâu lại để kẻ khác nẫng tay trên cái “món hời” đó…. Chính vì thế, những người được giao nhiệm vụ “mua hàng” cần phải là những người tinh tế, nhạy bén, giỏi nhìn người và biết mặc cả một cách thật văn minh.

Trong một môi trường đầy cạnh tranh thì việc “mặc cả” là việc hết sức tế nhị. Ở một doanh nghiệp nọ, việc tuyển dụng diễn ra khá khó khăn. Hàng chục ứng viên may chăng chỉ tuyển được một vài người. Vậy mà đến vòng đàm phán lương là họ lại một đi không trở lại. Ta có thể hiểu đấy một cuộc mặc cả chưa thành công. Vẫn doanh nghiệp ấy, số nhân viên nghỉ tăng đột biến sau kỳ xét lương, mà phần nhiều trong số đó là những người rất có năng lực – không dễ gì để tìm được người có thể thay thế. Lý do chung quy lại cũng nằm ở một phần mặc cả không thành công. Nguyên nhân sâu xa và nguồn gốc của việc mặc cả không thành này, tôi không rõ. Tôi chỉ cảm thấy rằng, nếu muốn cuộc “mua – bán” diễn ra thành công, thì việc “mặc cả” (hoặc không) đóng vai trò rất quan trọng.

Ở một chiều ngược lại, người lao động cũng cần sử dụng kỹ năng đàm phán với các công việc được giao như là một sự “mặc cả”. Mọi người luôn nhắc nhở nhau rằng, nên biết cách từ chối. Nếu không biết từ chối, có thể bạn sẽ ngập lụt trong công việc và chẳng làm việc gì nên hồn. Từ chối cũng chính là cách mặc cả cho công việc của mình. Người ta có thể mặc cả: “Tại sao tôi lại phải làm 7 đầu việc trong khi ông A chỉ phải làm 5 còn ông B chỉ phải làm 3?” hay “Sao công việc này lúc nào cũng giao cho tôi mà không giao cho ông C ông D?” và thậm chí là “Vô lý thế, tôi không làm đâu!” Rõ ràng, những cách mặc cả này rất thiếu văn minh. Thứ nhất, mỗi người có một thế mạnh riêng và công việc riêng. Thứ hai, hãy chú ý vào bạn và công việc bạn đang làm thay vì so sánh với những người khác. Thứ ba, bạn cần chỉ rõ lý do vì sao bạn không nhận việc đó. Đây có thể coi là một câu mặc cả chính đáng: “Tôi đang làm việc A, B và C. Nếu tôi nhận việc D trong thời gian này thì tôi e là sẽ không hoàn thành tốt, mà còn có thể ảnh hưởng xấu đến các việc còn lại”. Dẫu là từ chối nhưng vẫn rất văn minh và chuyên nghiệp.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, tương tự như thế, nguồn nhân lực chính là nguyên khí của doanh nghiệp. Để trở thành một phần “nguyên khí của doanh nghiệp”, ngoài việc cố gắng và nỗ lực không ngừng, biết chủ động nhận việc/từ chối việc cũng là một kỹ năng của người lao động. Còn với doanh nghiệp, để giữ được nguyên khí đó, có lẽ một trong những công việc cần làm, dù chỉ rất nhỏ, đó là: Hãy mặc cả một cách văn minh, chuyên nghiệp.

Chuối cả nải.