Vì thời gian không chờ đợi ai

“Thời gian qua kẽ tay,
làm khô những chiếc lá.
Kỷ niệm trong tôi,
rơi…
như tiếng sỏi,
trong lòng giếng cạn

Thấm thoát mình đã làm việc ở HiPT được gần chục năm. Nói như ngôn ngữ của dân văn phòng thì mình được xếp vào hàng “gái già” rồi. Lại nhớ cái thuở ban đầu ấy:

Ngày tốt nghiệp đại học, mình thi tuyển vào HiPT với tất cả sự háo hức và đầy hoài bão. Hồi đó CNTT đang là một trong những ngành nghề HOT nhất. Báo viết, báo hình, báo mạng đều giật tít (title) ngành CNTT đang thiếu mấy chục nghìn nhân lực cho lộ trình phát triển đến năm 2015, 2020… Thế rồi, mình trúng tuyển vào HiPT với một niềm tự hào: Gia nhập công ty CNTT lớn thứ 3 Việt Nam.

Học hỏi, cầu thị, cầu tiến, rèn luyện kỹ năng mềm…đó là những điều mình cho là cần thiết từ khi sắp tốt nghiệp. Ngoài việc chú ý đến giao tiếp, mình chú ý đến các yếu tố đó lắm, mong muốn được khẳng định mình trong công việc và với các đồng nghiệp xung quanh.

Kỳ đánh giá đầu tiên sau 6 tháng làm việc, mình được anh trưởng phòng khen ngợi là có tinh thần học hỏi và có khả năng vươn xa hơn nữa. Lời khen đó là động lực to lớn khiến mình quyết tâm phấn đấu hơn nữa trên con đường sự nghiệp. Bắt đầu là suy nghĩ đến việc học cao học, hoặc học văn bằng hai một chuyên ngành bổ trợ cho công việc hiện tại. Quyết tâm là thế, nhưng tuổi trẻ còn vô khối sự “cám dỗ” khác. Hết giờ làm việc là tụ tập với nhóm bạn còn độc thân – những người đang “tích cực” trải nghiệm, nếm mùi “tự sướng” và cho phép mình xả hơi vì mới kiếm được những đồng tiền đầu tiên trong đời. Buổi thì đi xem phim, buổi thì lượn lờ phố phường, cuối tuần thì picnic ngoại thành…

Thời gian trôi vèo vèo, rồi lại vin vào cái cớ bận công việc, bận làm thêm giờ, bận đi công tác, và kế hoạch học hành lại bị trì hoãn vô thời hạn.

Rồi thì phong trào học và thi Toiec nổ ra. Nghe nói tại các ngân hàng, các công ty đa quốc gia khi tuyển dụng đầu vào đều yêu cầu có bằng Toiec, thế là mình – một cô gái luôn cập nhật các xu hướng thời đại lại “tập tành” đi học. Kết quả thi tuy không cao, nhưng “thành quả” lớn nhất là kịp quen với một anh chàng. Và từ đó, cuộc sống của mình chính thức bước sang một trang mới có tên “hẹn hò”.

Các cụ có câu “Con gái có lứa có thì”. Ra trường một, hai năm thì phải lo tìm hiểu, yêu đương rồi lấy chồng đi. Ừ thì mình là người Á Đông, là con gái Bắc kỳ. Mấy đứa bạn thân cũng bắt đầu tách nhóm rồi, hoặc đi đâu chơi cũng có tài xế đón đưa. Cơ hội của mình đã đến thì cũng phải “bật đèn xanh” thôi.

Ấy thế nhưng trong công việc lúc đó mình vẫn chỉn chu lắm, đi làm đúng giờ, làm việc chăm chỉ, chưa bao giờ bị sếp và các đồng nghiệp phàn nàn nửa lời… Đôi lúc mình cũng “thoáng” nghĩ đến mục tiêu nghề nghiệp: Liệu sau bao lâu thì mình có thể trở thành quản lý, Sau bao lâu mình sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này… Suy cho cùng, con đường để phấn đấu cho sự nghiệp ắt hẳn còn dài. Lập gia đình rồi hẵng hay!

Cuộc sống vợ chồng son chưa được bao lâu thì các cụ lại thúc giục “Năm tới là năm con…vàng đấy, cố mà đẻ đi con ạ, sau này nó được sung sướng, mình cũng an nhàn”. Con cái trời cho, có bầu thì đẻ. Đón đứa con đầu lòng lòng mình sao mà háo hức thế. Mình chăm chút cho con từng ly từng tý, công việc thì vẫn cố gắng hoàn thành nhưng sự nghiệp học hành vĩ đại thì đành gác lại vậy

Ba năm đầu nuôi con nhỏ quả thực quá vất vả. Mình vừa phải làm quen, thích nghi với việc gia đình có thêm một thành viên mới, vừa phải đảm bảo việc chợ búa cơm nước hàng ngày. Lúc này, thầm cảm ơn sếp đã rất thông cảm và tạo điều kiện cho gái một con như mình. Kế đến, cũng phải cảm ơn anh Google “biết tuốt” là người bạn đồng hành với mình trong trong thời gian đó. Việc cập nhật kiến thức, thông tin để làm việc chủ yếu cũng chỉ qua anh ấy và các forum trên mạng. Cũng may là công ty thỉnh thoảng cũng tổ chức các khóa học nâng cao kỹ năng làm việc hiệu quả để mình được học hành có bài bản hơn. Trộm vía, học được cái gì là mình cố gắng ứng dụng trong công việc và giao tiếp ngay và luôn. Thôi thì, vào thời điểm đó, đành tạm bằng lòng với chính mình vậy.

Thế rồi, con cứng cáp hơn thì lại có “nhu cầu” sinh bé thứ hai. Thời đại bây giờ, nhiều cặp tằng tằng ba năm hai đứa. Thôi thì mình cũng sinh luôn, để xa quá lại ngại, mà nhỡ “tịt” thì cũng dở. Vậy là nhóc thứ hai chào đời.

Một đứa đã rối như tơ, hai đứa càng thêm cuống quýt. Thỉnh thoảng mình lại xin đi muộn, về sớm vì con ốm con đau. Chồng thì bận rộn, hay phải đi công tác, rồi tiếp khách, cũng chẳng giúp được gì nhiều. Thôi thì mình chịu khó hy sinh một chút để tạo điều kiện cho chồng toàn tâm toàn ý phát triển sự nghiệp. Phụ nữ mà, là hậu phương thôi, để chồng ra tiền tuyền, ngẫm lại, thấy mình truyền thống từ khi nào cũng chẳng hay. Các cuộc gặp gỡ, giao lưu với đồng nghiệp, gặp gỡ bạn bè cũng ít dần đi. Thôi thì lại AQ, phụ nữ ai chả mất khoảng 10 năm cho nhiệm vụ sinh con và chăm sóc con cái. Mọi kế hoạch công việc, vui chơi, hưởng thụ… thì lùi lại vậy. Con cái là tài sản quý giá nhất cơ mà.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cũng phải cảm ơn anh Mark Zuckerberg vì mình đã tìm lại được khá nhiều bạn bè, từ thời tóc chấm ngang vai, thậm chí từ thời vỡ lòng. Chưa bao giờ mà các cuộc offline lại nhiều đến thế. Trong một năm mà liên tục các cuộc họp lớp, từ lớp đại học đến lớp cấp 3, rồi thì lớp cấp 2 và cấp 1, chỉ thiếu mỗi lớp mầm, lớp chồi, lớp lá. Bạn bè ai nấy đều thành đạt cả rồi, có phần duyên dáng, mặn mà hơn xưa. Nhiều bạn bây giờ có công việc thật đáng ngưỡng mộ. Họ là những nữ doanh nhân, nhà quản lý, nhà báo, giảng viên…với mức thu nhập hàng nghìn đô. Và nhiều bạn bây giờ vẫn miệt mài nghiên cứu, đi du học…

Ngẫm lại bản thân thấy mình tụt hậu quá so với các bạn. Bao năm đi làm vẫn là nhân viên (gọi là có kinh nghiệm), sang hơn thì được gọi là “chuyên viên cao cấp”, không dám nhận là chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Giật mình vì tuổi thì đã sang đầu 3 có lẻ đếm được, vậy mà vẫn chưa làm được điều gì gọi là có “điểm nhấn” cho sự nghiệp.

Gia đình ổn định, con cái khỏe mạnh. Tạm hài lòng. Công việc thì cứ đều đều, không lùi mà cũng chả tiến. Nếu cứ như thế này, chắc sẽ chả khác gì “Sống mòn”. Nghĩ cho cùng cuộc đời còn rất dài, nếu tính 55 tuổi nghỉ hưu thì còn phải làm việc hơn 20 năm nữa, 1/3 đời người chứ có ít đâu. Bây giờ các em thế hệ sau đi du học ầm ầm, tiếng Anh nói như gió. Doanh nghiệp thì lúc nào chả cần một luồng gió mới, tươi trẻ, mát lành. Tre già măng mọc, các sếp chắc chả ai thích một đội ngũ nhân viên văn phòng U30, U40 mà lại kém tươi, thiếu nhanh nhẹn, thiếu sự chuyên nghiệp. Nếu mình không thay đổi ngay từ bây giờ, thì không bao lâu nữa, có thể sẽ không còn “chỗ đứng” để có thể gọi là “ổn định” như bây giờ.

Có lẽ mình phải tự làm mới bản thân từ những việc nhỏ nhất. Từ việc thay đổi phong cách ăn mặc cho ra dáng nàng công sở hiện đại, rồi giao tiếp tự tin và trẻ trung hơn, rồi làm việc nhanh nhẹn, chính xác và chuyên nghiệp hơn. Có khó quá không nhỉ? Chắc mình sẽ phải tìm các khóa học phù hợp để “nâng cấp” bản thân, tích cực tham gia vào các diễn đàn/hiệp hội nghề nghiệp để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Rồi mình sẽ đi học “lại” để cải thiện kỹ năng tiếng Anh vốn đã ít ỏi, lại lâu ngày không có cơ hội giao tiếp nên cứ thế mà rơi rụng dần. Mình chợt nhớ tới chia sẻ của chuyên gia người Anh trong một hội thảo: “Người Việt Nam muốn thực hiện dự định gì/làm việc gì thì hay nói là: Để sau Tết/ Để ra Tết”. Bác ấy là người nước ngoài mà sao hiểu về người Việt thấu đáo thế. Quả là không sai chút nào. Việc năm nay cần làm lại để năm sau, rồi lại năm sau nữa, cứ thế, cứ thế rồi chẳng bao giờ làm. Nhưng đối với mình thì những điều muốn làm không còn là dự định nữa, mình đang thực hiện chúng, từng bước một, từng bước một.

Đợt này văn phòng HiPT bố trí nhân sự gọn gàng hơn. Mình được làm nhiều việc hơn, có nhiều cơ hội để thể hiện mình hơn. Những điều này như những ngọn lửa nhỏ cháy âm ỉ, khiến mình vui suốt, vì thực sự, không chỉ chồng con mới có thể mang lại cho mình niềm vui, mà rõ ràng, làm việc cũng là một niềm vui lớn.Thế rồi, mình tự nhủ rằng: Làm việc không phải chỉ để hết việc, xong việc mà cần làm có trách nhiệm, để được ghi nhận, để được góp công sức của mình vào công cuộc thay đổi và phát triển HiPT – nơi mình đã tin yêu và gửi gắm trong 10 năm qua.

Và vì, thời gian không chờ đợi ai…
Riêng những câu thơ,
còn xanh.
Riêng những bài hát,
còn xanh.
Và đôi mắt em
như hai giếng nước.”

vi-thoi-gian-khong-cho-doi-ai-1