Hi-mobile – khẳng định “thương hiệu Việt”

Ra mắt thị trường từ đầu tháng 01/2011, hi-mobile thu hút sự chú ý của giới truyền thông khi khẳng định thế mạnh của mình là: mẫu mã, chất lượng, dịch vụ chăm sóc khách hàng và mức giá phù hợp.

Chia sẻ của anh Đỗ Giang Vinh  – Giám đốc Công ty HiPT-Mobile.

PV: Vì sao HiPT quyết định đầu tư và trình làng hi-mobile, thưa anh?

Anh VinhĐG: HiPT vốn là một trong những doanh nghiệp mạnh về mảng giải pháp và tích hợp hệ thống với hệ thống khách hàng ở nhiều lĩnh vực, gồm cả khối Nhà nước và doanh nghiệp. Cách đây vài năm, HiPT đầu tư vào mảng thị trường bán lẻ sản phẩm tin học văn phòng với việc giới thiệu chuỗi bán lẻ hiSHOP trên toàn quốc. Định hướng đa ngành nghề của HiPT tiếp tục được minh chứng với việc đầu tư cho HiPT-Mobile, và sản phẩm đầu tiên mà chúng tôi giới thiệu tới thị trường là điện thoại di động hi-mobile.

Hi-mobile tham gia thị trường di động đúng vào thời điểm mà các hãng di động trong và ngoài nước đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Bên cạnh đó là sự phát triển mạnh của các nhà mạng và thuê bao di động, thiết bị đầu cuối. Việc chuẩn bị lộ trình thích hợp, chú ý đầu tư vào chất lượng sản phẩm và các tiện ích có tính chất quyết định với sự tồn tại và chiếm lĩnh thị phần của hi-mobile trong cuộc cạnh tranh với những đối thủ vốn đã có nhiều kinh nghiệm.

Về phía người tiêu dùng, xu hướng hiện nay tập trung khá nhiều vào sản phẩm trong nước với mức giá cạnh tranh và chất lượng bảo đảm. Việc sản xuất hi-mobile xuất phát từ những khảo sát về xu hướng, tiềm năng thị trường cũng như những phân tích về nhu cầu, sở thích, thói quen và khả năng tài chính của từng phân khúc khách hàng. Chúng tôi mong muốn giới thiệu những sản phẩm có chất lượng tốt, tính năng tiện dụng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, đồng thời hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và dịch vụ hậu mãi.

PV: Trước đây nhiều năm,VNPT và một số hãng khác đã tham gia thị trường điện thoại di động, dù rất hiểu thị trường nhưng họ không thành công. Và bây giờ, thị trường khá bất ngờ trước sự tham gia của HiPT.

Anh VinhĐG: Tôi hiểu điều này. Tôi cho rằng HiPT vốn là Tập đoàn có nhiều kinh nghiệm kinh doanh dự án trong mảng viễn thông nên cơ hội để “làm nên chuyện” là hoàn toàn có thể. Còn việc các doanh nghiệp đó đã không thành công là bởi họ tham gia chưa đúng thời điểm.

Nói tóm lại, sự gia nhập của chúng ta có thể chậm hơn nhiều doanh nghiệp khác nhưng với sự tính toán kỹ lưỡng, tôi tin vào thành công của hi-mobile.

PV: Ý nghĩa thương hiệu hi-mobile là gì? Và HiPT Mobile có những hoạt động gì để quảng bá cho thương hiệu và dịch vụ hi-mobile?

Anh VinhĐG: Thương hiệu hi-mobile được xây dựng trên cơ sở kế thừa và sử dụng một số họa tiết hình ảnh của thương hiệu Tập đoàn HiPT, đồng thời có những sáng tạo phù hợp với sản phẩm dịch vụ và đối tượng khách hàng tiềm năng, cụ thể là:

–      Màu xanh: Thân thiện, tin cậy, ổn định, hài hòa

–      Màu ghi: Sự sang trọng và tinh tế của sản phẩm

–      Nét đỏ:  Trẻ trung, sáng tạo tạo nên điểm nhấn

–      Chữ “hi”: Sự gắn kết của Công ty con (HiPT Mobile) với Tập đoàn (HiPT)

–      Chữ “mobile”: Thông điệp rõ ràng về lĩnh vực kinh doanh cốt lõi

–      Font chữ: Hiện đại, thân thiện

Thông điệp được truyền tải ngay qua tên hi-mobile với hai ý nghĩa quan trọng. Cái tên hi-mobile kế thừa một số yếu tố của thương hiệu mẹ (Tập đoàn HiPT). Hi-mobile là lời chào thân thiện, lời hứa, lời cam kết của chúng tôi về chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ chăm sóc hoàn hảo và hơn cả, đó là mang đến cho khách hàng sự “cảm nhận cuộc sống”.

Trong chiến lược phát triển lâu dài, hi-mobile tập trung vào các kênh truyền thông chính là: trực tuyến, marketing trực tiếp (thông qua các sự kiện) và hỗ trợ đại lý. Việc sử dụng các kênh này đã trở thành xu hướng chung trong thời gian qua và cũng phù hợp để tiếp cận với đối tượng khách hàng tiềm năng cho sản phẩm của HiPT Mobile.

PV: Anh đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh của hi-mobile với các thương hiệu Việt khác? Những yếu tố nào mang lại lợi thế cho sự cạnh tranh đó?

Anh VinhĐG: Như tôi đã chia sẻ, trước khi giới thiệu hi-mobile tới thị trường, chúng tôi đã có sự điều tra nghiên cứu thị trường và thị hiếu khách hàng.

Yếu tố mẫu mã đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Mẫu mã của hi-mobile phù hợp với nhiều đối tượng, có thiết kế (kiểu dáng, màu sắc) đơn giản và tiện dụng.

Về mức giá, chúng tôi xác định rằng, nhóm đối tượng mà hi-mobile hướng đến là: sinh viên, học sinh, người lao động có thu nhập vừa phải. Trong khi các đối thủ khác đến từ nước ngoài cũng đang cố gắng chiếm lĩnh thị phần của phân khúc này thì việc HiPT khai thác, trong khi chúng ta là thương hiệu Việt, nắm lợi thế về thị trường, văn hóa và hiểu tâm lý khách hàng?

Tiếp theo là độ bền và các tiện ích. Với công nghệ và kỹ thuật hiện nay, độ bền không phải là rào cản đối với các nhà sản xuất. Vấn đề nằm ở chỗ, họ có thực sự chú trọng đến yếu tố này hay không mà thôi. Bên cạnh đó, các tiện ích cũng đóng vai trò không nhỏ. Ví như: Nếu đã muốn chinh phục giới trẻ thì chiếc điện thoại bây giờ không thể thiếu các tính năng truy cập mạng xã hội, chat, nghe nhạc, chơi game… hoặc đối với người đứng tuổi thì chức năng nghe nhạc, radio… là những tiện ích mà rất nhiều người chọn lựa.

Đó là những điểm nổi trội mà tôi đánh giá là lợi thế của hi-mobile. Việc triển khai và cập nhật các phần mềm tiện ích trong thời gian sắp tới chắc chắn còn giúp hi-mobile có thêm nhiều lợi thế nữa. Với sự chuẩn bị tốt, chúng tôi tin vào thành công của thương hiệu điện thoại này.

Trong thời gian đầu, hi-mobile giới thiệu 04 sản phẩm và đều tập trung vào phân khúc giá bình dân, với thiết kế 2 sim 2 sóng.

Dòng máy P05 tập trung vào nhóm khách hàng là thanh niên nên có màu sắc trẻ trung và rất thời trang, với mức giá chỉ có 790.000 đồng. Với các model i06 và i08 thì điểm nổi bật là thiết kế siêu mỏng (7,5mm), hỗ trợ MP3, camera, kết nối với các mạng xã hội thông dụng, tính năng lắc tay đổi hình. Còn dòng i09, với thiết kế sang trọng cùng bàn phím qwerty, hướng tới những người đã đi làm.

PV: Xu hướng thị trường đang rất chuộng điện thoại 3G giá rẻ. Tại sao hi-mobile không đi theo hướng này?

Anh VinhĐG: Năm 2010, thị trường viễn thông di động Việt Nam bắt đầu có nhiều nhà mạng cung cấp 3G. Đó là xu hướng tất yếu đối với tất cả các nhà cung cấp điện thoại di động, và theo tôi, xu hướng này sẽ dẫn đầu trong các năm kế tiếp. Trong lộ trình năm 2011, HiPT Mobile sẽ giới thiệu điện thoại 3G vào khoảng cuối quý I.

Theo phân tích của các chuyên gia, hiện nay, hơn 80% điện thoại bán ra trên thị trường Việt Nam nằm ở phân khúc 2G với các tính năng cơ bản và có giá thành dưới 2 triệu đồng. Điện thoại 3G chỉ đang chiếm dưới 10% nên ở thời điểm hiện tại, HiPT Mobile muốn chiếm thị phần chắc chắn ở dòng sản phẩm có lượng tiêu thụ lớn.

PV: Hi-mobile được gia công tại Trung Quốc. Nhưng vài năm trước đây, điện thoại di động có xuất xứ Trung Quốc đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam và gây ấn tượng không tốt. Anh nghĩ sao về điều này?

Điện thoại có xuất xứ Trung Quốc trước đây thường không rõ nguồn gốc và không có chế độ bảo hành. Tuy nhiên, điện thoại Việt đã dần dần làm thay đổi quan niệm của người sử dụng. Khi chúng tôi khảo sát thị hiếu của người tiêu dùng thì điện thoại Việt có mức giá cạnh tranh và chất lượng khá tốt. HiPT Mobile sẽ tập trung hơn nữa vào chính sách hậu mãi để khách hàng yên tâm khi sử dụng sản phẩm.

PV: Các hãng điện thoại thương hiệu Việt khác đã và đang lựa chọn hình thức hợp tác với các nhà mạng để cung cấp sản phẩm điện thoại kèm các gói hỗ trợ cước để thu hút khách hàng. Hi-mobile có phải là ngoại lệ?

Anh VinhĐG: Sự phát triển của xu hướng hợp tác này chứng tỏ nó là win – win – win: 3 bên cùng có lợi, nhà mạng phát triển được thuê bao, doanh nghiệp bán được máy và khách hàng có được giá trị cao hơn. HiPT Mobile đã có kế hoạch và sẽ triển khai hoạt động này trong thời gian tới.

PV: Chân thành cảm ơn anh và chúc hi-mobile sớm định vị được thương hiệu của mình trên thị trường Việt Nam!